NVIDIA mở mã nguồn hoàn toàn PhysX và Flow SDK, mở ra tiềm năng mới cho game và hơn thế nữa
Tin vui cho giới lập trình viên và cộng đồng mod game! NVIDIA vừa chính thức mở mã nguồn hoàn toàn bộ công cụ phát triển (SDK) PhysX và Flow của mình theo giấy phép BSD-3. Điều này có nghĩa là toàn bộ mã nguồn, bao gồm cả những "bí mật" lõi GPU trước đây, giờ đây đều được công khai.
Nếu bạn chưa biết, PhysX là một công cụ vật lý thời gian thực, tận dụng sức mạnh tính toán song song của GPU để tạo ra những hiệu ứng vật lý phức tạp. Công nghệ này đã từng được sử dụng trong nhiều tựa game nổi tiếng những năm 2010 như Mirror's Edge, Batman: Arkham Asylum, Metro 2033, Borderlands 2 và nhiều game khác. Flow thì chuyên về mô phỏng chất lỏng, tạo ra các hiệu ứng lửa, khói và khí chân thực.
Việc NVIDIA mở mã nguồn GPU kernels của PhysX và Flow mang lại rất nhiều lợi ích. Các nhà phát triển game giờ đây có thể tùy chỉnh và tối ưu hóa PhysX và Flow cho phù hợp với dự án của mình. Cộng đồng mod game có thể tận dụng điều này để tạo ra các lớp tương thích, giúp các game cũ sử dụng PhysX chạy được trên các dòng card đồ họa mới như RTX 50, vốn không còn hỗ trợ các phiên bản CUDA cũ.
Trước đây, NVIDIA đã mở mã nguồn phần CPU của PhysX 4.0, nhưng phần GPU vẫn là độc quyền. Điều này gây khó khăn cho việc tìm hiểu sâu và tùy chỉnh hệ thống. Giờ đây, với toàn bộ mã nguồn được công khai, mọi người có thể nghiên cứu, sửa đổi và phát triển dựa trên những thư viện này.
Thậm chí, có thể có người sẽ tạo ra một lớp tương thích để PhysX có thể chạy trên các dòng card đồ họa Blackwell mới. Về mặt lý thuyết, việc tách PhysX và Flow khỏi CUDA và chuyển sang các nền tảng phần cứng trung lập như OpenCL hoặc Vulkan cũng là khả thi, mở ra khả năng hỗ trợ cho cả bộ vi xử lý AMD và Intel. Tuy nhiên, đây là một thách thức không nhỏ.
Mặc dù PhysX không còn là công nghệ chủ đạo trong game (Unreal Engine 5 sử dụng Chaos Physics Engine), nhưng việc tiếp cận với mã nguồn GPU kernels của PhysX và mã mô phỏng shader của Flow có thể có tác động lớn đến các lĩnh vực khác như kỹ thuật đồ họa, robot học, kiến trúc, thiết kế và hoạt hình.